Hoa văn đẹp được đục chạm trên mẫu nhà gỗ 5 gian có ý nghĩa gì?

Trải qua dặm dài lịch những hoa văn trên mẫu nhà gỗ 5 gian đã vượt qua khỏi ý nghĩa về giá trị thẩm mỹ ban đầu. Trong mẫu hoa văn chạm khắc trên gỗ còn chứa đựng lớp nghĩa sâu xa về mặt văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, tư tưởng.

Video mẫu hoa văn trong nhà gỗ cổ truyền

Ý nghĩa của việc chạm khắc hoa văn trong mẫu nhà gỗ 5 gian 

Nhìn vào những hoa văn được chạm khắc tỉ mỉ trong căn nhà gỗ bạn có bao giờ tự hỏi chúng để làm gì không. Sau đây là những lý giải vì sao người làm nhà gỗ hay chạm khắc hoa văn trên những cấu kiện, bộ khung của mẫu nhà gỗ 5 gian. 

  • Gia tăng giá trị thẩm mỹ cho căn nhà gỗ 5 gian 

Đây được coi là ý nghĩa tiêu biểu nhất của các mẫu hoa văn trên nếp nhà. Các thanh gỗ được bào nhằn với vẻ ngoài rất thô mộc đơn sơ, nay qua bàn tay của thợ đục chạm tạo thành những họa tiết sinh động gia tăng giá trị thẩm mỹ. 

Hoa văn nhà gỗ tạo giá trị thẩm mỹ cao cho căn nhà

Vẻ đẹp của những ngôi nhà gỗ không chỉ nằm ở kết cấu độc đáo từ bộ khung hoàn toàn từ thân cây tự nhiên. Mà nó còn nằm trong những chi tiết chạm trổ tinh xảo của người thợ mộc. 

  • Lưu giữ tinh hoa văn hóa cổ truyền dân tộc

Việc dùng các họa tiết trong căn nhà gỗ còn là cách để con cháu thời nay lưu giữ lại tinh hóa văn hóa truyền thống của ông cha ta. Đó là nghệ thuật tạo hình dân gian của người dân Việt Nam trên chất liệu gỗ.

Đây là những hoa văn truyền thống được ông cha ta truyền đời để lại

Đọc vị ý nghĩa hoa văn thường thấy trong mẫu nhà gỗ 5 gian 

Trong mẫu nhà gỗ 5 gian cổ truyền, những mẫu hoa văn thường thấy và được người thợ làm nhà sử dụng nhiều đó là: hoa văn con giống (long – ly – quy – phượng, hạc, dơi, chim, cò,…); hoa văn cây cối hoa lá (tùng – cúc – trúc – mai, hoa sen, lá lật, quả lựu,…); hoa văn chữ cổ (chữ phúc, chữ lộc, chữ thọ….). Những mẫu họa tiết, hoa văn rất giàu ý nghĩa như: 

Hoa văn con giống

  • Long – ly – quy – phượng

Đây được coi là 4 con vật linh thiêng và thường hay được sử dụng để chạm khắc trong ngôi nhà gỗ cổ truyền. Thường thấy ở nội thất đồ thờ ở mẫu nhà gỗ 5 gian như: án gian, y môn, cửa võng,…

Đục chạm đôi chim phượng trên đại tự nhà gỗ

Trong đó long (rồng) là hiện thân cho sự sang trọng, cao quý. Ly (kỳ lân) tượng trưng cho lòng nhân từ, sự thông thái và mời gọi tài lộc. Quy (rùa) đại diện cho sự trường tồn, sức khỏe dẻo dai, bền bỉ. Phượng (chim phượng) là nữ hoàng của các loài chim thể hiện cho sự hiền đức, mẫu mực, may mắn. 

Bộ tứ linh này được chạm khắc rất tỉ mỉ, kỳ công và người thợ phải có tay nghề cao mới đục được ra hồn, ra dáng những con vật này. 

Chạm rồng trên cấu kiện nhà gỗ
  • Con dơi

Trong tiếng Trung con dơi đọc đồng âm với chữ Phúc. Chính vì vậy, hình tượng con dơi dùng đục chạm trong nhà gỗ có ý nghĩa cầu mong cho gia đình may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng. 

Năm con dơi đục trên pano cửa bức bàn

Ngoài ra trong đời sống dơi còn giúp con người ăn côn trùng bảo vệ mùa màng. Theo tín ngưỡng dân gian nhà nào có dơi bay vào là dấu hiệu của may mắn, tài lộc sắp đến. Những chi tiết đục chạm dơi thường hay thấy rõ nhất ở cửa bức bàn trong họa tiết ngũ phúc lâm môn, hoặc trên y môn, án gian.

  • Chim hạc

Trong mẫu nhà gỗ 5 gian hình tượng chim hạc được thấy nhiều trong đồ thợ tự hoặc các hoa văn chạm khắc trên cửa y môn, cửa võng,… Trong văn hóa phương Đông loài chim này còn được gọi là nhất phẩm điểu, là hiện thân cho người quân tử ngẩng cao đầu, giang rộng cánh. Sử dụng họa tiết chim hạc trong nhà gỗ có ý nghĩa cầu mong sự trường thọ, tinh thần minh mẫn.  

Hoa văn cây cối, hoa lá

  • Tứ quý (tùng – trúc – cúc – mai)

Mẫu hoa văn tứ quý rất hay xuất hiện trong những nếp nhà gỗ cổ truyền. Có thể thấy trên cửa bức bàn, kẻ hiên, vì thuận, khung song ô thoáng,…. Đây là 4 loài cây tượng trưng cho 4 mùa xuân, hạ, thu đông thể hiện sự sung túc, no đủ, sinh sôi nảy nở quanh năm. 

Bộ tranh tứ quý chạm tại cửa bức bàn nhà gỗ

Cây tùng được đục với tán lá xum xuê thế uy phong, vững chãi biểu hiện cho người đàn ông cương trực, mạnh mẽ trước phong ba bão táp. Cây trúc ví với người quân tử với tấm lòng ngay thẳng, bộc trực. Loài hoa cúc chạm khắc với nhiều cánh rất đẹp thể hiện sự trường thọ, vĩnh cửu. Mai có ý nghĩa may mắn, sinh sôi nảy nở trong văn hóa của người  Á Đông. 

  • Hoa văn lá lật

Hoa văn lá lật với độ uyển chuyển thường hay thấy trên các con rường nhà gỗ kẻ truyền. Mẫu hoa văn này thể hiện sự tươi mới, sức sống, tốt đẹp. 

Hoa văn lá lật trên kẻ hiên
  • Hoa sen

Hoa sen được coi là biểu tượng của người Việt thể hiện cho đức tính trong sạch “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Việc chạm khắc hoa sen thường thấy ở nhiều chi tiết trong cấu kiện nhà gỗ như: cửa bức bàn, bức nách, vì thuận, kẻ hiên, bẩy cò,… thể hiện sự trong sạch, thanh tao. 

Hoa sen được chạm trên cấu kiện nhà gỗ cổ truyền

Những hoa văn trên mẫu nhà gỗ 5 gian không chỉ đơn thuần làm đẹp cho căn nhà. Nó còn thể hiện mong ước của gia chủ về một căn nhà mới với nhiều hạnh phúc, may mắn, thuận lợi khi hoàn thành và sinh sống. 

>Xem thêm các video hay về nhà gỗ cổ truyền 

Add a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *